THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH ĐẦU TƯ ĐIỆN MẶT TRỜI TẠI VIỆT NAM NĂM 2021

Đầu tư điện mặt trời vẫn luôn là lĩnh vực “chạm tay là bỏng” trong thời gian qua, bởi vì những lợi ích mà nó mang lại. Tuy nhiên, bên cạnh những giá trị về mặt kinh tế, đầu tư điện mặt trời cũng đang còn tồn tại những vấn đề bất cập khiến doanh nghiệp đau đầu. 

1. Tìm hiểu thực trạng đầu tư điện mặt trời

  • Điện mặt trời xuất hiện hàng loạt

Nguồn lợi mà các dự án điện mặt trời áp mái đem lại là vô cùng to lớn. Do đó, các nhà đầu tư đang ồ ạt đổ tiền và tạo dựng các hệ thống cho riêng mình, từ đó đem đến sự tăng trưởng nhanh chóng cho danh mục này trong hệ thống điện tại Việt Nam, dẫn đến sự mất cân đối trong cơ cấu nguồn điện quốc gia.

Tính đến ngày 31-12-2020, tổng công suất lắp đặt điện mặt trời cả nước đạt khoảng 19.400 MWp, tương ứng khoảng 16.500 MW, chiếm khoảng 25% tổng công suất lắp đặt nguồn của hệ thống điện quốc gia. Trong đó có gần 9.300 MWp điện mặt trời mái nhà với hơn 100.000 công trình đã được đấu nối vào hệ thống điện. 

Sự thiếu đồng bộ giữa nguồn điện phát triển và lưới điện quốc gia khiến việc khai thác điện mặt trời trở nên không hiệu quả, mất an toàn hệ thống an ninh năng lượng. 

Điều này đã được chứng minh rõ theo số liệu cụ thể: Năm 2020, sản lượng không khai thác được của điện mặt trời vào khoảng 364 triệu kWh. Năm 2021, sản lượng điện không khai thác được của các nguồn năng lượng tái tạo nói trên tăng lên, đạt khoảng 1,68 tỷ kWh, trong đó có khoảng 1,25 tỷ kWh ĐMT. ( Số liệu được cung cấp bởi tập đoàn điện lực Việt Nam )

  • Thiếu đồng bộ trong sự phát triển cơ sở hạ tầng và các điều luật liên quan

Theo thống kê của Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), tỷ lệ thực hiện phát triển hệ thống LÐTT theo Quy hoạch điện VI chỉ đạt gần 60%. Nguyên nhân chủ yếu do thiếu vốn đầu tư và vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, đã dẫn đến tình trạng lưới không theo kịp nguồn điện, khiến hệ thống LÐTT hiện nay luôn trong tình trạng quá tải, nhất là hệ thống truyền tải điện Bắc – Nam, dẫn đến tăng tổn thất điện năng và tiềm ẩn nguy cơ trên hệ thống lưới điện.

Bên cạnh đó, việc cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng được công suất của các dự án điện năng lượng mặt trời, điện không lên lưới được dẫn đến việc nhiều nhà máy phát điện không thể hoạt động hoặc không được huy động phát điện.

  • Các hạn chế trong việc đầu tư khai thác điện mặt trời hiện nay

Việt Nam chưa có một mức giá cố định và dành riêng cho việc mua bán điện mặt trời, sau khi QĐ số 13/2020/QĐ – TTg của Thủ Tướng Chính Phủ ban hành ngày 6/4/2020 về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời tại Việt Nam hết thời gian hiệu lực. 

Điều này dẫn đến rắc rối mà các nhà đầu tư đối mặt trong 6 tháng đầu năm 2021 chính là không thể thu hồi vốn vì không xác định được giá bán điện. Do đó, các nhà đầu tư hiện đang rất băn khoăn và lo lắng, không rõ chính sách trong thời gian tới sẽ như thế nào, giá bán ra sao,… để có thể quyết định đầu tư.

2. Nguyên nhân gì dẫn đến thực trạng trên của điện mặt trời? 

  • Đổ xô đầu tư ồ ạt vì những lợi ích hấp dẫn từ việc đầu tư điện mặt trời

Trước quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng, Chính phủ có nhiều chính sách nhằm khuyến khích đầu tư điện mặt trời hoà lưới, chủ đầu tư chỉ cần khoảng 5 – 7 năm để hoàn vốn. 

Hơn hết, việc lắp đặt các hệ thống điện mặt trời hoà lưới giúp doanh nghiệp có thể tiết kiệm lên đến 100% điện năng tiêu thụ trong sản xuất, đồng thời đem đến một nguồn thu cho doanh nghiệp/ cá nhân sử dụng. Nếu đầu tư đúng đắn, doanh nghiệp/ cá nhân đầu tư điện mặt trời hoà lưới sẽ có thêm một nguồn thu mới, lâu dài và ổn định.

  • Hành lang pháp lý về điện mặt trời tại Việt Nam

Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 06/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời quy định: Những dự án điện mặt trời nối lưới và điện mặt trời mái nhà đáp ứng các điều kiện, sẽ được áp dụng biểu giá hỗ trợ, hay còn gọi là giá FIT, khi đưa vào vận hành thương mại đến ngày 31/12/2020. 

Bộ Công Thương chưa nghiên cứu hoàn chỉnh được cơ chế đấu thầu cho các dự án điện áp dụng từ năm 2021. Do đó từ đầu năm 2021 đến nay, các dự án điện mặt trời đều không được áp dụng biểu giá FIT, cơ chế đấu thầu thì chưa được ban hành. Điều này gây hoang mang cho các nhà đầu tư.

Trong một số dự thảo như: dự thảo vào ngày 31.12.2020 giá mua điện áp mái từ mức 8,38 cent/kWh hiện tại giảm còn khoảng 5,3 – 5,8 cent/kWh (tùy công suất từng dự án), tức là từ mức giá hơn 1.900 đồng/kWh xuống hơn 1.300 đồng/kWh, giảm khoảng 30% so mức giá trước đó. 

Điều này khiến cho mục đích chính của việc đầu tư điện mặt trời hiện tại là đầu tư để sử dụng, không tạo được sự hứng thú cho các nhà đầu tư khác.

  • Bài toán về tài chính cho các dự án điện mặt trời

Khó khăn đầu tiên đó chính là các dự án điện năng lượng mặt trời cần vốn đầu tư ban đầu rất cao.

Tuy nhiên việc tiếp cận các nguồn vốn tín dụng trong nước lại không khả thi. Vì đa số các ngân hàng đều xem dự án điện năng lượng mặt trời là dự án có rủi ro cao nên yêu cầu tỷ lệ vốn từ chủ đầu tư cao ( Từ 30 – 40%) và lãi suất vay vốn cao ( từ 10% trở lên).

Do đó đã gây ra rất nhiều sự khó khăn cho các doanh nghiệp khi thu xếp tài chính và đầu tư vào điện năng lượng mặt trời.

  • Vấn đề về chất lượng và sự an toàn của hệ thống

Sự phát triển nhanh chóng của điện năng lượng mặt trời áp mái đã kéo theo yêu cầu về nguồn cung tăng cao.

Điều này dẫn đến sự phát triển không thể kiểm soát của các nhà cung cấp thiết bị, vật tư cho loại hình này và gây khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật,….Các rủi ro như cháy nổ, lỗi thi công, hư hỏng,…. do sản phẩm không đạt chất lượng, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật cũng khiến các nhà đầu tư chùn bước khi quyết định.

  • Ảnh hưởng của dịch bệnh 

Ảnh hưởng của dịch bệnh khiến nền kinh tế bị chững lại, Kinh tế toàn cầu bị suy thoái nghiêm trọng. Nhiều nhà sản xuất phải tạm ngưng hoạt động, những doanh nghiệp khác thì bị khan hiếm nhân công và khả năng sản xuất bị hạn chế.  

Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến việc đầu tư điện mặt trời bị chững lại, gây ảnh hưởng đến những doanh nghiệp đã và đang đầu tư vào mô hình này. 

Trên đây là thực trạng tình hình đầu tư điện mặt trời tại Việt Nam 6 tháng đầu năm 2021. Nhìn chung, trước mắt cần một chính sách tổng thể dựa trên định hướng của Nghị quyết 55 và các văn bản pháp luật thay vì điều hành thiếu đồng bộ, tránh tình trạng lãng phí nguồn lực xã hội. 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *